1, Lễ hội Shogatsu mừng năm mới
Shogatsu là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản. Không giống như các nước châu Á khác, người Nhật tổ chức mừng năm mới theo lịch dương như các nước phương Tây. Theo đó, vào những ngày này, toàn bộ công việc sẽ ngừng lại, mọi người ở Nhật sẽ trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau đi viếng chùa chiền, các đền thờ Thần đạo để cầu chúc những điều ước cho năm mới và cũng là để xin chữ may mắn. Trong đêm giao thừa, người Nhật sẽ ăn món mỳ trường thọ toshicoshi soba. Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sẽ cùng nhau sum họp, uống rượu sake truyền thống ăn món osechi cổ truyền. Trong những ngày tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằng tre và cành thông được gọi là cổng kadomatsu.
2, Lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami
Đây là một lễ hội truyền thống của Nhật diễn ra từ cuối tháng ba đến đầu tháng tư. Đây là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, uống rượu ca hát dưới những tán hoa anh đào. Trong tiếng Nhật, "hana" có nghĩa là hoa và "mi" có nghĩa là ngắm nhìn. Lễ hội "Hanami" có nghĩa đầy đủ là cùng nhau ngắm hoa anh đào. Lễ hội này có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm nay và được coi là quốc lễ của Nhật Bản và là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
3, Lễ hội Vu Lan O-Bon
Trước đây lễ hội này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 hoặc tháng 8 dương lịch tùy theo từng địa phương. Lễ hội này là thời gian để các thành viên trong gia đình tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Các gia đình Nhật trong những ngày này sẽ lau chùi dọn dẹp nhà cửa, đi viếng mộ, thắp lồng đèn bằng giấy treo trước của nhà. Hành động này hướng đến một ý nghĩa tâm linh là giúp soi sáng con đường để các linh hồn biết rõ đường về nhà. Trên các đường phố tại Nhật trong ngày này, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những đoàn người mặc trang phục cổ truyền múa các điệu đặc trưng, đi diễu hàng khắp các phố.
4, Lễ hội Awa Odori
Awa Odori được biết đến như là một trong những lễ hội nhảy múa truyền thống nổi tiếng nhất Nhật Bản. Lễ hội này có nguồn gốc từ tỉnh Tokushima khoảng 400 năm trước. Các vũ công được gọi là "ren" này đa phần đều là các người dân địa phương đươc tuyển chọn, họ phải tập luyện rất nhiều để có thể phối hợp với nhau một cách thuần thục nhất. Lễ hội thông thường thu hút số lượng "ren" lên tới hơn 1000 người cùng nhau hòa nhịp kết hợp với tiếng đàn Shamisen, tiếng trống, tiếng chuông tạo nên một bầu không khí vô cùng sôi động. Lễ hội Awa Odori được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng tám hàng năm với quy mô đầu tư vô cùng lớn và sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân chắc chắn sẽ khiến cho bạn khi tới đây phải cảm thấy sửng sốt.
5, Lễ hội Kishiwada Danjiri ở Osaka
Đây là một lễ hội khá độc đáo, "mạo hiểm" diễn ra ở Osaka. Lễ hội có hơn 300 tuổi này thu hút một lượng lớn người tham gia chủ yếu là các thanh niên. Nhiệm vụ của họ là sẽ phải đẩy một chiếc kiệu gỗ rất lớn được chạm trổ công phu được gọi là Danjiri đi qua các con phố lớn với tốc độ càng nhanh càng tốt. Ngay cả khi đi qua những ngã rẽ, họ cũng không hề giảm tốc độ, các thủ lĩnh đứng trên kiệu sẽ nhảy múa, cổ vũ cho các thành viên của mình. Lễ hội Kishiwada Danjiri chủ yếu đề cao sức mạnh, tính kiên trì, tinh thần đồng đội và khả năng chịu đựng của các thành viên.
6, Lễ hội cá chép Kodomo-no-hi
Rơi vào ngày 5 tháng 5 hàng năm, lễ hội cá chép Kodomo-no-hi được diễn ra tưng bừng nhằm mục đích cầu nguyện cho những đứa trẻ trong gia đình luôn được mạnh khỏe, bình an và may mắn. Tương truyền, cá chép là loài động vật tượng trưng cho trí tuệ, nghị lực phấn đấu để hóa rồng, lòng quả cảm và đức tính nhẫn nại vượt vũ môn hóa rồng của con người. Các gia đình trong lễ hội này sẽ treo các con cá chép lên những cây sào với 3 màu chủ yếu. Màu đen tượng trưng cho người cha, một con màu đỏ tượng trưng cho người mẹ và một con cá chép màu xanh dương tượng trưng cho đứa con. Ngoài ra, hiện nay ở một số nơi người Nhật treo rất nhiều cá chép đầy màu sắc khác nhau tương ứng với số lượng người con trong mỗi gia đình.
EmoticonEmoticon